Trong tất cả những người ở trong trại, người đặc biệt nhất mà cô “quản giáo” quan tâm, có hồ sơ bệnh án là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (52 tuổi) ở khu 2, xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Trong lúc phát bệnh, Thành đã dùng then cửa đập liên tiếp nhiều nhát vào đầu bố đẻ của mình vì nghĩ rằng có người đang đuổi đánh, phải giết ngườiđể tự cứu bản thân.
Án mạng kinh hoàng
Dẫn chúng tôi vào trong khu bệnh nhân bị tâm thần nặng, phải nhốt trong các “chuồng cọp”, được khóa cửa cẩn thận. Lúc đó, đang trong buổi trưa, sau khi ăn cơm xong các bệnh nhân đã được uống thuốc, có người trùm chăn ngủ, có người vẫn còn thức.
Khi thấy chúng tôi đến mọi người bật dậy ra đứng ở gần cửa ngơ ngác nhìn tỏ vẻ tò mò. Đi cùng với các bác ở trung tâm vào phòng bệnh nhân Thành, lúc đó bệnh nhân Thành chậm chạp nhấc tấm chăn bông trên người, ánh mắt lờ đờ như không còn sức sống.



Nguyễn Văn Thành (52 tuổi) tại trung tâm bảo trợ xã hội.
Hỏi đường về nhà ông Thành “rồ” ở xã Phương Thinh, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ – người con trong lúc điên loạn đã dùng then cửa đánh bố đến tử vong, dường như sự việc trôi qua đến 10 năm nhưng người dân nơi đây vẫn chưa quên được bởi nó luôn ám ảnh trong tâm trí mọi người.
Một người dân cho biết, căn nhà của vợ chồng ông Thành giờ bỏ hoang không ai ở. Giờ muốn đến gặp mẹ của Thành thì phải sang nhà em trai của Thành cách đó vài trăm mét, ngay ở gần đường.
Nhờ sự chỉ đường tận tình của người dân chúng tôi cũng tìm được đến nhà mẹ của Thành đang ở. Trong căn nhà cấp bốn, mái ngói đã ngả màu vì mưa nắng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1971), em dâu Thành cho biết, từ trước đến giờ bác Thành “rồ” không gây gổ với ai, không làm mất lòng ai bao giờ, bác ấy hiền lắm. Vậy mà không may bị phát bệnh nên mới xảy ra sự việc đau lòng trên.
Đau xót khi phải nhắc lại chuyện quá khứ, chị Tâm cho biết, sự việc xảy ra vào ngày 11/5/2004. Vào hôm đó, mọi người trong gia đình ra ngoài đồng làm, lúc đó chỉ có Thành với bổ đẻ ở nhà.
Trong lúc bố của Thành đang nằm xem phim ở phản thì bỗng dưng Thành cầm then cửa làm bằng sắt đi ra chỗ bố đương nằm. Sau đó Thành dùng then cửa đập liên tiếp nhiều nhát vào đầu bố mình.
Quá bất ngờ ông không kịp chạy thoát thân ra ngoài mà chỉ kịp ú ớ vài tiếng rồi bất tỉnh ngay tại chỗ. Khi gây án xong, đối tượng Thành thản nhiên ngồi trên ghế xem tivi.
Khi có người hàng xóm sống gần nhà sang chơi thì phát hiện bố của Thành nằm bất động, xung quanh người máu chảy lênh láng, ở trên đầu ông có một vết lõm sâu. Hốt hoảng người hàng xóm liền chạy ra ngoài hô hoán mọi người đến để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Khi xe cấp cứu đến nơi, do đường vào nhà nạn nhân quá nhỏ không thể vào được, mọi người phải lấy xe đèo ông ra đến ngoài đường chính. Bố của đối tượng Thành được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Việt Trì. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Quay về phần đối tượng Thành, ngay khi nhận được tin báo lực lượng công an xã Phương Thịnh đã dẫn đối tượng Thành lên ủy ban làm việc. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, công an xã đã báo cáo sự việc lên cấp trên.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Thành cười hềnh hệch khai nhận “có người đuổi theo đánh nên tôi phải đánh chết người đó để tự cứu bản thân mình”.
Nhận thấy bản thân đối tượng Thành không biết mình đang nói gì nên cơ quan điều tra đã đưa đối tượng Thành đi khám bắt buộc ở Bệnh viện tâm thần Phú Thọ. Sau khi khám xong, các bác sĩ tại đây khẳng định Thành bị tâm thần. Cho nên cơ quan điều tra đã đưa Thành đi điều trị bắt buộc.
Khi được hỏi về nguyên nhân phát bệnh, chị Tâm lắc đầu: “Gia đình cũng không rõ nguyên nhân ở đâu, theo lời bố chồng tôi kể lại vì khi đó tôị đã ở riêng bên này thì có một lần, tự nhiên anh Thành nằm lì trong phòng ba ngày ba đêm không dậy, miệng cứ làm nhảm toàn chuyện không có thật như bị ma ám vậy”.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, vợ của Thành không chịu nổi cú sốc về tinh thần, và cả những lời bàn tán của người dân địa phương.
Đến năm 2005, vợ của Thành đã chủ động làm đơn ly hôn và mang theo hai người con trai về nhà ngoại sống. Đến nay căn nhà của hai vợ ông Thành gây dựng lên không ai ở, bỏ hoang.
Đối tượng từng bị tâm thần
Ngồi thẫn thờ ở giường, cụ Hoàng Thị Nga – mẹ của Thành chỉ tay lên chiếc tủ đứng dựng ở góc nhà bảo “chiếc tủ đó là do chính tay Thành làm”, trông chiếc tủ rất chắc chắn và đẹp.
Bà Nga cho biết, Thành là người con thứ tư trong gia đình có năm chị em. Năm 1985, Thành xây dựng gia đình với một người con gái cùng thôn. Đến tận 3 năm sau vợ chồng Thành mới sinh được một người con trai bụ bẫm kháu khỉnh.
Cuộc sống gia đình êm ấm. Lúc đó Thành là một thợ mộc giỏi trong làng, sẵn có vốn trong tay nên chẳng mấy chốc gia đình Thành có của ăn của để, xây được một căn nhà khang trang. Đến năm 1990, vợ chồng Thành tiếp tục sinh thêm một người con trai. Hai vợ chồng cùng nhau "chung lưng đấu cật" làm kinh tế nên gia đình khá ổn định so với mọi người cùng làng.
Niềm vui niềm hạnh phúc của vợ chồng Thành cứ đong đầy theo tháng ngày. Thế nhưng đến năm 2003, một tai họa lại ập đến với gia đình nhỏ bé là Thành bỗng dưng bị phát bệnh tâm thần sau 3 ngày nằm vật vã trên giường không nhấc nổi người dậy.
Lúc này mọi người trong gia đình đã đưa Thành đi thăm khám và điều trị tại bệnh viện tâm thần Phú Thọ. Được các bác sĩ chăm sóc tận tình, cho uống thuốc thường xuyên Thành dần dần ổn định tinh thần, chỉ những ngày trái nắng trở trời thì Thành mới phát bệnh. Sau đó gia đình đã đưa Thành về nhà để tự điều trị, hằng ngày vẫn uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thấm thoát một năm trôi qua, năm 2004, bệnh của Thành lại tái phát và nặng hơn so với trước đây. Người thân trong gia đình lại một lần nữa đưa Thành xuống thành phố Việt Trì thăm khám nhưng không ngờ chính năm đó lại xảy ra sự việc đau lòng.



Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1971), em dâu Thành.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm phân trần, bình thường khi Thành không “lên cơn” thì bác ấy Lành lắm. Khi vợ cùng với hai đứa con trai bỏ về quê ngoại sống, Thành vẫn ở nhà một mình, tự chăm sóc cho bản thân. Thường ngày Thành vẫn có thể đi lên rừng chặt củi đem về đun nấu.
Những hôm Thành bị bệnh nặng không thể tự nấu cơm được, chị vẫn mang cơm canh sang nhà cho ăn. Lúc đó biết được Thành “lên cơn” chị đem cơn sang chỉ dám để ngoài cửa, không dám đem vào để ở bàn trong nhà. Khi nào Thành hết cơn thì sẽ tự đi ra ngoài đó lấy mang vào ăn. Những người dân trong xóm cũng không ai dám bén bảng đến.
“Thành bị mắc chứng bệnh hoang tưởng. Những lúc tỉnh táo Thành vẫn đi sang nhà hàng xóm, người thân trong gia đình chơi. Tuy nhiên, trong đầu Thành lúc nào cũng trong trạng thái nơm nớp lo sợ có người giết mình vì thế khi đi đâu Thành luôn mang theo con dao trong người để “phòng thân”. Dù bị bệnh tật nhưng Thành không bao giờ đuổi đánh mọi người, rất ưa nịnh”, chị Tâm cho biết.
Còn về việc trước đây Thành cầm dao đi chém mọi người trong làng, chị Tâm cho biết, Thành lành lắm chỉ thui thủi ở nhà một mình làm gì dám gây sự với ai bao giờ. Cả làng cứ sợ vì trước đây Thành đánh chết bố nên cả làng mới đồn ầm lên như thế. Có lần vào tháng 9/2013, ông Đặng Văn Thắng – anh vợ Thành bị Thành cầm dao chém gây tích cho ông. Lúc đó do Thành phát bệnh không kiểm soát được bản thân.
Cuối năm 2013, theo nguyện vọng của gia đình, anh Thành được Trung tâm Trợ giúp Xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ đón lên điều trị.
“Trung tâm xét về hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Mọi công việc trong gia đình do tôi gánh vác, mẹ chồng đã già yếu, chồng tôi lại mất sớm lại thêm hai đứa con nhỏ. Cho nên trung tâm mới tạo điều kiện làm thủ tục cho Thành lên điều trị”, chị Tâm cho biết.
Được biết, trước đây chị Tâm vài tháng lên trung tâm thăm Thành một lần. Thế nhưng gần đây gia đình nhiều việc lại bị bệnh phải xuống dưới Hà Nội khám chữa bệnh nên cũng chưa có dịp đến thăm.
Trong lúc ngồi nói chuyện chị Thành luôn hỏi han sức khỏe của Thành: “Các anh chị ở trên đó về, bác Thành có khỏe không? Bác ăn được nhiều không?”. Chúng tôi bảo ông Thành vẫn khỏe, lúc vào ông vừa uống thuốc xong nên buồn ngủ không nói chuyện được nhiều.
Bảo Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét